Bảo tàng hoạt động năm 2017 do tư nhân xây dựng, trưng bày khoảng 5.000 tư liệu, hình ảnh, hiện vật… về trầm hương.
Nhà trưng bày bảo tàng Trầm Hương (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) có diện tích khoảng 5.000 m2, hoạt động năm 2017. Đây là bảo tàng tư nhân với kinh phí xây dựng 200 tỷ đồng, nhằm giới thiệu, trưng bày về trầm hương, kỳ nam – đặc sản của tỉnh Khánh Hòa.
Bảo tàng trưng bày hơn 5.000 tư liệu, chia thành nhiều chủ đề như: nghiên cứu của thế giới về trầm hương, bản đồ phân bố trầm hương, trầm hương với tín ngưỡng, những sản phẩm của trầm hương...
Nổi bật trong bảo tàng là những khối trầm hương lớn đặt tại sảnh chính, có tuổi đời cả trăm năm.
Trầm hương là phần gỗ từ thân cây dó bầu. Khi cây này bị tổn thương sẽ tiết ra nhựa, trở thành một loại gỗ quý thơm tạo ra trầm hương. Những khối trầm tự nhiên phải mất thời gian lâu để hình thành nên rất quý, giá trị hơn với loại nuôi cấy.
Những khối trầm đặt trong tủ kính trang trí với mô hình trống đồng, nét văn hóa của người Việt ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Hai khối trầm hương tự nhiên được đặt trang trí cạnh tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Trầm hương được chia thành nhiều loại như kỳ, trầm, tốc. Trong đó kỳ nam là loại trầm có phẩm chất cao và quý hiếm nhất. Dựa theo tính chất, sắc vị thì kỳ nam lại chia thành nhiều loại nhỏ. Các khối kỳ nam trong bảo tàng đều có kích thước lớn, được bảo quản kỹ càng trong tủ kính.
Nhiều tượng Phật, trang sức, đồ dùng… được làm từ trầm hương nguyên khối trưng bày trong bảo tàng.
Trong bảo tàng treo nhiều hình ảnh về cây dó bầu, sự hình thành trầm hương. Các khu vực khác giới thiệu tác dụng của trầm hương trong sức khỏe, phong thủy, tâm linh, tín ngưỡng…
Theo bản đồ phân bố, tỉnh Khánh Hòa là khu vực có chất lượng trầm hương vào loại tốt trên thế giới.
Những khúc cây dó bầu, tác nhân chính hình thành nên trầm hương được trưng bày. Rải rác trong bảo tàng còn đặt các mô hình tượng voi chiến, linga, nữ thần… của nền văn hóa Chăm một thời rực rỡ ở miền trung Việt Nam.
Chiếc lư đồng để xông trầm được chế tác tinh xảo, có tuổi đời gần trăm năm.
Bảo tàng còn bán trầm hương và các sản phẩm chế tác từ loại gỗ quý này. Vòng đeo tay, đồ phong thủy, thờ cúng, hàng lưu niệm… từ trầm hương có giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bảo tàng không bán vé tham quan, du khách vào có hướng dẫn viên thuyết minh. Theo ban quản lý, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 đoàn khách trong và ngoài nước vào bảo tàng.
Theo vnexpress